Tin tức
Doanh nghiệp cần thích ứng, chủ động khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp
11/09/2020
Nhìn lại giai đoạn khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trong những tháng đầu năm nay và kể cả khi dịch bùng phát trở lại cho thấy, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, bên cạnh một số doanh nghiệp (DN) đã phải tạm dừng, đóng cửa hoạt động thì cũng có rất nhiều DN – đặc biệt là các DN bảo hiểm, vẫn trụ vững, thậm chí tìm được nhiều cơ hội kinh doanh mới trong bối cảnh khó khăn.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 26.991 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7%, bồi thường 9.028 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 33% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 8.236 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31% trong tổng doanh thu toàn thị trường, bồi thường 3.821 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt 2.495 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, tăng trưởng 33%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.916 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 22%, bồi thường 3.434 tỷ đồng.
Để thích ứng và chủ động và linh hoạt trong mùa dịch, rất nhiều DN đã nắm bắt rất nhanh nhạy nhu cầu của thị trường để cung cấp những sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường. Nhiều DN cũng tự làm mới những phương thức hoạt động, kinh doanh của mình, thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phần mềm trực tuyến để phục vụ việc quản lý, điều hành, tập trung đẩy mạnh phương thức bán hàng online, bán hàng qua điện thoại… vừa hạn chế tiếp xúc đông người, vừa giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được thông suốt trong bối cảnh phòng dịch.
Điều đó cho thấy, mặc dù tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, song “bức tranh” về cộng đồng DN BH phi nhân thọ không hoàn toàn là chỉ là “màu tối”, mà vẫn có những mảng “màu sáng” đan xen.
Sau hơn 3 tháng dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng, thì sự xuất hiện trở lại của những ca bệnh mới khởi phát từ Đà Nẵng và làm lây lan ra các tỉnh thành phố khác như: Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…lại một lần nữa đặt cả nước trong tình trạng “báo động đỏ”.
Điều đó cũng đồng nghĩa, cộng đồng DN có thể sẽ lại bước vào một giai đoạn khó khăn tiếp theo, bởi vậy đòi hỏi DN phải chủ động, nhanh nhạy, nâng cao khả năng ứng phó để hạn chế thấp nhất những tổn thất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay trở lại
Theo đó, trước hết, các DN cần chuẩn bị nhiều phương án, kịch bản ứng phó khác nhau ứng với từng dự báo kịch bản diễn biến của dịch. Bởi vì, trong kinh doanh, DN nào càng chủ động, càng nhanh nhạy, kịp thời đưa ra những kế hoạch, kịch bản chi tiết thì càng có khả năng ứng phó tốt khi có biến động xảy ra trên thị trường.
Trong tình hình này, Giám đốc các Đơn vị thành viên (ĐVTV) cần luôn cảnh giác, nghiên cứu và có hành động phù hợp theo yêu cầu của chính quyền địa phương và theo tinh thần công văn số 995/2020/CV-BSH-TCHC ngày 31/03/2020 về Hướng dẫn ứng phó trong tình huống khẩn cấp (BCP) liên quan đến dịch bệnh Covid 19 tại hệ thống BSH. Thực tế, BSH Đà Nẵng và BSH Hải Dương đã và đang phải nằm trong diện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh của 2 ĐVTV.
Bên cạnh đó, ĐVTV cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động và linh hoạt trong kinh doanh. ĐVTV chia sẻ cùng Tổng Công ty và thực hiện tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả hoạt động. ĐVTV cần chú trọng rà soát các hợp đồng đến kỳ tái tục để tiết kiện chi phí, tích cực khai thác hiệu quả các đầu mối kênh phân phối đã được phân giao thông qua ứng dụng công nghệ số, qua internet, qua ví điện tử, xây dựng và phát triển tốt hệ thống đại lý tổ chức và cá nhân tại địa bàn… đa dạng hóa khả năng tiếp cận khách hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào việc gặp gỡ, hội họp trực tiếp, tiệc tùng…
Về phần mình, Tổng Công ty cần chú trọng đến vấn đề xây dựng chiến lược quản lý rủi ro, quản lý khủng hoảng, xây dựng và thiết kế được các công cụ kinh doanh chuyển đổi số để hỗ trợ các ĐVTV thai thác hiệu quả các kênh phân phối đã triển khai nhằm nâng cao được hiệu quả doanh thu, tăng khả năng thích ứng, chống chịu trước những thay đổi mạnh của thị trường. Đồng thời, Tổng Công ty cũng cần chú trọng công tác quản trị tài chính, quản trị dòng tiền, có các phương án dự phòng tài chính để hạn chế thấp nhất khả năng đứt gãy dòng tiền hoặc xảy ra vấn đề lớn về thanh khoản trong bối cảnh dịch bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài…
Phan Tiến Nguyên