Tin tức
Cơ hội và thách thức với ngành bảo hiểm khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU có hiệu lực
20/04/2020
Việt Nam đang hội nhập ngày càng lớn với thế giới thông qua nhiều hiệp định thương mại (FTA). Điều này mang đến cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế nói chung và cho các Doanh nghiệp nói riêng. Trong vận hội này, Doanh nghiệp Việt cần chủ động nắm lấy thời cơ, tận dụng cơ hội thành công sẽ giúp Doanh nghiệp vươn lên tầm cao mới. Bằng không chúng ta sẽ buộc phải nhường sân chơi trên chính thị trường của chúng ta.
Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA)
Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (viết tắt là EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU đã được ký kết ngày 30/06/2019, dự kiến có hiệu lực giữa năm 2020. Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18%-3,25% trong giai đoạn từ 2019-2023; tăng từ 4,57%-5,3% trong giai đoạn từ năm 2024-2028 và 7,07%-7,72% trong giai đoạn năm 2029-2033. Trong EVFTA các cam kết đương nhiên bao gồm ngành dịch vụ tài chính gồm: Bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán. Theo đánh giá, những cam kết đó cũng mang tới cơ hội và thách thức sau cho ngành Bảo hiểm.
Cơ hội
Thứ nhất, từ hiệp định này sẽ ngày càng có thêm nhiều đối tác gia nhập làng Bảo hiểm Việt Nam. Điều này sẽ mang đến thêm nhiều giá trị và dịch vụ cho khách hàng trước sự gia nhập của nhiều Công ty bảo hiểm (CTBH). Các CTBH nước ngoài có quy mô vốn lớn, có bề dày lịch sử nên họ hiểu người Việt cần gì trong từng giai đoạn phát triển để có thể thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Thứ hai, cơ hội nhận được sự chuyển giao bí quyết kinh doanh và cách thức quản lý. Khi một CTBH nước ngoài vào Việt Nam hoạt động đương nhiên họ sẽ phải đào tạo cho các cán bộ trong nước về sản phẩm và quản lý.
Thứ ba, tạo điều kiện cho các CTBH có cơ hội tiếp cận dòng vốn ngoại đến từ Châu Âu. Có thể nói giai đoạn này việc xin cấp giấy phép mở thêm CTBH là không dễ dàng khi mà số lượng CTBH đang hoạt động quá lớn. Vì thế, để gia nhập sẽ buộc nhiều Tập đoàn bảo hiểm nước ngoài đi vòng bằng cách gia tăng đầu tư, mua bán – sáp nhập (M&A) hoặc trở thành đối tác chiến lược.
Thứ tư là mở ra cơ hội kinh doanh bởi theo dự báo kim ngạch thương mại giữa VN – EU sẽ tăng hơn 40% vào năm 2025, qua đó tăng nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm cho các hoạt động vận chuyển hàng, trách nhiệm dân sự theo kèm.
Cuối cùng CTBH có thêm sự lựa chọn trong việc lựa chọn đối tác kinh doanh đặc biệt lĩnh vực Tái bảo hiểm. Châu Âu có rất nhiều nhà tái bảo hiểm hàng đầu, có kinh nghiệm và tiềm lực nên thuận lợi cho việc hợp tác.
Thách thức
Cuộc chơi lớn nhất và đáng lo ngại chính là việc các Tập đoàn Bảo hiểm nước ngoài sử dụng chiến lược giá. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, các Tập đoàn bảo hiểm nước ngoài sẽ không ngại ngần sử dụng chiến lược này để thu hút thị phần. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn lên những CTBH Việt Nam với tiềm lực tài chính yếu trong cuộc đua đường trường.
Thứ hai là sự đa dạng về sản phẩm và tính tương tác cao. Những Tập đoàn này vốn dĩ đã có mối quan hệ tốt với các đơn vị tái lớn trên thế giới nên những hợp đồng BH lớn thường mang đến cơ hội cho họ. Những CTBH Việt thua thiệt về cả hai phương thức trên rõ ràng sẽ khó tìm cơ hội như vậy.
Thứ ba, quy mô vốn lớn cộng với lợi thế về thâm niên sẽ giúp các CTBH nước ngoài có cơ hội lấy được những hợp đồng lớn có quy mô tầm cỡ.
Có thể nói nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở vô cùng lớn, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia vào 17 hiệp định FTA, trong đó 13 hiệp định đã có hiệu lực.
Tham gia nhiều hiệp định FTA, một mặt tạo ra cơ hội nhưng cũng đem đến những nguy cơ. Do đó các Doanh nghiệp Việt cần chủ động nắm lấy cơ hội, tận dụng thành công, bằng không chúng ta sẽ buộc phải nhường sân chơi trên chính thị trường của chúng ta. Sự sàng lọc lớn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai và chỉ những Doanh nghiệp có chiều sâu, có chiến lược bài bản mới có cơ hội trụ lại.