Tin tức
Thanh toán không dùng tiền mặt: BSH đã sẵn sàng?
11/09/2020
Tại Việt Nam các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành nhu cầu cấp thiết về xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt (hay hệ sinh thái thanh toán điện tử). Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.
Con số trên cho thấy, sự quyết tâm của Chính phủ với thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với khu vực và nền kinh tế thế giới. Đòi hỏi không chỉ các Ban ngành, mà toàn bộ doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cần chuyển đổi trong quy trình nghiệp vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và xu hướng tại Việt Nam
Hiện tại các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến tại Việt Nam gồm:
– Ngân hàng điện tử (Internet/Mobile Banking)
– Thẻ nội địa/tín dụng quốc tế
– Ví điện tử
– Cổng thanh toán điện tử
Một xu hướng đã trở nên phổ biến trong một vài năm trở lại đây là QR Code, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, quét camera qua mã vạch của sản phẩm/nhà cung cấp sẽ tự động hoàn tất thông tin hóa đơn thanh toán và chỉ cần xác nhận, việc thanh toán sẽ được hoàn tất trong vài giây.
Mua bán hàng hóa chỉ cần quét mã QR code đã trở nên phổ biến
Một xu hướng mới tiếp theo, Việt Nam sẽ cho phép ứng dụng Mobile Money trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đó là cho phép dùng số dư cước viễn thông trong tài khoản để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Đây là hình thức thanh toán không mới trên thế giới, nhưng đã rất phổ biến và thành công ở Châu Phi và các nước Mỹ-Latin nơi cư dân thưa thớt, ngành ngân hàng lạc hậu chưa đáp ứng được hạ tầng thanh toán, các mạng viễn thông đã thể hiện vai trò kết nối nền kinh tế, Mobile Money trở thành phương tiện thanh toán tiện lợi và dễ dàng tại đó. Mobile Money được dự báo là xu hướng mới, hướng tới khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng. Thông qua chiếc điện thoại, họ có thể thanh toán cho hàng hóa dịch vụ mà không cần dùng tiền mặt. Ở Việt Nam, hứa hẹn Mobile Money sẽ phát triển ở khu vực thành thị đối với thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) nhóm trẻ tuổi được tiếp cận Internet và công nghệ, chưa được phép mở tài khoản ngân hàng – nhưng có thể tự chủ thanh toán hàng hóa dịch vụ; nhóm lớn tuổi đô thị, nhóm ở khu vực nông thôn miền núi, chưa có điều kiện mở tài khoản ngân hàng.
Lợi ích của Thanh toán Không dùng tiền mặt
Với người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đem lại tiện ích và bảo mật cao hơn do không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt, dễ dàng tiếp cận tới nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng và có được sự bảo vệ bí mật thông tin tài chính cá nhân tốt hơn từ các mạng chuyển mạch giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ.
Với các nhà cung cấp, TTKDTM mang đến cho họ sự tiện lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, do không còn phải chịu chi phí xử lý lượng tiền mặt nắm giữ, thanh toán an toàn, bảo đảm hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Với Chính phủ, TTKDTM hỗ trợ tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.
Với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch giao dịch thanh toán cũng hưởng lợi từ xu hướng tích cực này nhờ nâng cao hiệu quả xử lý và tăng doanh thu qua cung ứng một loạt sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng cộng thêm tới cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.
Thanh toán Không dùng tiền mặt trong ngành Bảo hiểm và sự sẵn sàng của BSH
Từ rất sớm, các Công ty BHNT trong hợp tác với các ngân hàng, việc thanh toán phí được tích hợp sẵn lên dịch vụ Internet/Mobile banking của ngân hàng, giúp cho khách hàng thanh toán phí định kỳ dễ dàng và tiện lợi. Giờ đây, TTKDTM đã trở nên phổ biến và thịnh hành khi khách hàng có thể mua sản phẩm bảo hiểm và đóng phí tái tục qua các điểm chạm:
– Trên website/mobile app của công ty bảo hiểm
– Quẹt thẻ/QR code qua nhân viên tư vấn/đại lý bảo hiểm
– Trên website thương mại điện tử: Tiki, Sendo, Lazada,…
– Tích hợp bảo hiểm vào các sản phẩm du lịch: mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn (bảo hiểm du lịch, trễ hủy chuyến bay)
– Trên ví điên tử: Momo, ZaloPay, Payoo, ViettelPay
– Trên dịch vụ gọi xe: Be, Grab
Với mục tiêu trở thành Doanh nghiệp BHPNT top 5 thị trường trong năm 2023, dẫn đầu về CNTT và trải nghiệm khách hàng, BSH cần mạnh mẽ chuyển đổi trong hành trình trải nghiệm khách hàng, mở rộng hệ sinh thái đối tác, tích hợp tác tiện ích thanh toán không dùng tiện mặt giúp khách hàng mua sản phẩm và đóng phí tái tục đơn giản và thuận tiện hơn. Một số nội dung BSH có thể triển khai trong thời gian tới:
1. Mở rộng kết nối với các cổng thanh toán và ví điện tử
Việc mở rộng kết nối với các ví điện tử như Momo, ZaloPay, Moca, Payoo có hàng triệu người dùng, qua đó người dùng ví điện tử có thể mua bảo hiểm, đóng phí tái tục với BSH một cách dễ dàng.
2. Triển khai mô hình D2C (Direct/Digital to Consumer)
Đây là mô hình phân phối trực tiếp sản phẩm tới khách hàng qua website/mobile app/fanpage của BSH. Đây là một cầu nối thường xuyên và liên tục với khách hàng, khách hàng có thể theo dõi thông tin các hợp đồng bảo hiểm với BSH, mua bổ sung sản phẩm, yêu cầu bồi thường, tái tục, cung cấp thông tin sản phẩm mới tới khách hàng. Đồng thời đây cũng là công cụ để khách hàng làm sứ giả, giới thiệu cho bạn bè người thân sản phẩm của BSH để được hoa hồng.
3. Mở rộng hệ sinh thái đối tác và phân phối bảo hiểm qua đối tác
Các công ty bảo hiểm thâm nhập thị trường thông qua hệ sinh thái đối tác đã không còn xa lạ. Các sản phẩm hợp tác với đối tác thường được thiết kế sáng tạo, phù hợp với tập khách hàng của đối tác, được tích hợp vào sản phẩm của đối tác hoặc bán kèm cùng sản phẩm của đối tác, điều này giúp đối tác tăng sức cạnh tranh và mang nhiều lợi ích cho khách hàng.
Thực tế: Khi mua vé máy bay, đặt khách sạn trực tuyến, khách hàng được bán kèm gói bảo hiểm du lịch/trễ hủy chuyến bay. Khách hành mua điện thoại di động hoặc laptop trên các sàn thương mại điện tử, được bán kèm gói bảo hiểm màn hình hoặc bảo hành mở rộng. Đó là thời điểm, khách hàng dễ ra quyết định mua bảo hiểm hơn là mua qua website của công ty bảo hiểm nào đó.
4. Cơ hội phát triển sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới với e-policy
Việc chính phủ điều chỉnh, cho phép sản phẩm Bảo hiểm TNDS xe cơ giới được sử dụng ấn chỉ điện tử (e-policy) thay cho giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc sẽ là cơ hội cho các công ty bảo hiểm. Qua đó, khách hàng có thể mua bảo hiểm ở bất cứ kênh nào đề cập ở trên, và khi đó, ấn chỉ điện tử sẽ được gửi cho khách hàng tới email, hoặc đường link riêng tới ấn chỉ điện tử của khách hàng. Đây là dòng sản phẩm BSH có lợi thế trên thị trường, cần đẩy nhanh việc hợp tác với các nền tảng thanh toán, mạng viễn thông (với mobile money) để triển khai bán sản phẩm này.
Với sự quyết tâm của BLĐ, đồng lòng của CBNV, BSH sẽ có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong cải tiến quy trình vận hành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; chinh phục trái tim khách hàng qua những con số tăng trưởng chất lượng và bền vững.
Nguyễn Hoàng Anh